CÂU CHUYỆN KHÁCH HÀNG
Tôi tham gia vay vốn của ACE đã được 5 vòng, từ nguồn vốn vay tôi làm ăn có lãi. Tôi đã mua được xe máy, máy tuốt, máy phay, máy xay xát, cho các con đi học, mua được ti vi, tủ lạnh, giúp được một số chị em trong bản có con giống vật nuôi.
Chị Quàng Thị Phanh, xã Pá Khoang
Chị Quàng Thị Phanh: nỗ lực để có tiền cho con ăn học
Chị Phanh, 50 tuổi, là một người phụ nữ chịu thương chịu khó xã Pá Khoang nhưng vẫn bị nghèo đói đeo bám nhiều năm, cứ đến dịp phải nộp tiền ăn học cho các con là chị Phanh lại lo lắng.
Sau khi tìm hiểu và được giải thích về ACE, chị đã quyết định vay vốn vòng vay đầu tiên tại Chương trình với số vốn là 4 triệu đồng để đầu tư vào nuôi lợn. Chị Phanh xúc động nói: “Chương trình cho tôi vay vốn về làm ăn rất nhanh, không đòi hỏi nhiều thủ tục hay sổ đỏ, tôi còn được tham gia những lớp tập huấn không mất tiền nữa. Tham gia chương trình Anh Chị Em làm cho tôi biết tiết kiệm, biết cách sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả”. Nhờ việc áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chăn nuôi lợn từ những lớp tập huấn do nhân viên Chương trình giảng dạy, đàn lợn của chị Phanh được xuất bán mang lại cho chị nguồn thu nhập tốt và chị có thêm tiền để lo cho các con ăn học.
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của việc chăn nuôi qua những lớp tập huấn kỹ thuật của ACE, chị Phanh đã tiếp tục vay các vòng vay tiếp theo để đầu tư vào lợn, trâu và cá. Kết quả là hiện nay, gia đình chị đã thoát nghèo, kinh tế gia đình vững chắc, các con ăn học đầy đủ và đã trưởng thành có công ăn việc làm ổn định.
"Từ số vốn 4 triệu đồng, tôi đã phát triển được đàn lợn để tạo ra thu nhập ổn định."
Cán bộ ACE hướng dẫn nhiều kỹ thuật lắm, tôi áp dụng mà hạn chế sâu bệnh, thu được nhiều bao thóc hơn, vật nuôi thì mau lớn, ít dịch bệnh
Anh Lò Văn Tiến, xã Noong Luống
Anh Tiến đang thăm ruộng của gia đình, mỗi năm gia đình anh có 4 tấn thóc để bản
Anh Lò Văn Tiến: Hành trình thoát nghèo đầy nghị lực
Anh Tiến, 37 tuổi, là một người nông dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Gia đình anh Tiến trước đây chỉ biết làm ruộng, thu nhập hàng năm ít ỏi, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, đến thóc gạo còn không đủ ăn. Anh muốn thoát nghèo để vợ con đỡ khổ nhưng làm gì dù ít hay nhiều cũng phải có vốn mà nhà anh thì không có sổ đỏ. Tám năm trước, khi biết đến chương trình Anh Chị Em trong một cuộc họp bản, anh Tiến đăng ký tham gia luôn mà không chần chừ. Trải qua 06 vòng vay, có vòng thì anh đầu tư vào cây lúa, có vòng thì mua lợn, vòng thì vịt, cá. Anh Tiến cho rằng mình cần phải đa dạng các hoạt động sản xuất nông nghiệp để trong năm lúc nào cũng có thu nhập, và cũng để an toàn chứ dồn hết vào một cây hay một con, nhỡ bị dịch bệnh là mất hết.
Giờ đây, anh không còn phải lo nghĩ nhiều vì thiếu thóc ăn hằng năm như những năm trước. Mỗi năm thóc dư thừa của gia đình bán 4 tấn/năm. Gia đình đã thoát nghèo được từ năm 2015, điều đó làm anh thấy tự hào về bản thân và gia đình mình. Năm 2017 anh Tiến rất tự hào là 1 trong 10 khách hàng được Chương Trình Anh Chị Em đề cử tham dự giải thưởng doanh nhân vi mô Citi Việt Nam lần thứ 11 (CMA 2017). Hiện tại các hoạt động sản xuất của gia đình anh đang phát triển rất ổn định, hàng năm tạo công ăn việc làm cho theo thời vụ cho 10 lao động. Thu nhập hiện tại của gia đình anh là 110 triệu đồng/năm. Với tổng giá trị tài sản là 450 triệu đồng, gia đình đầm ấm hạnh phúc.
Với chương trình tập huấn và số vốn ban đầu từ ACE, dần dần tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Chị Tòng Thị Nọi, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng
Chị Tòng Thị Nọi: Hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo
Tòng Thị Nọi, 52 tuổi là người gốc Thái. Chị sống ở bản Na Luông, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Ngày xưa thì cuộc sống của chị rất khó khăn và không có đủ tiền chi tiêu hằng ngày. Lúc đó chị ấy không chỉ thiếu vốn để làm nông nghiệp mà chị còn không biết kỹ thuật chăn nuôi. Nhưng mong muốn thoát nghèo khiến chị Nọi luôn lao động chăm chỉ và tìm mọi cách để kinh doanh.
Trong một buổi gặp của hội phụ nữ vào năm 2012, chị đã gặp chương trình Anh Chị Em (ACE). Phương pháp vay vốn của ACE dễ hơn rất nhiều so với các các chương trình khác. Với khoản vay ban đầu là 4 triệu đồng, chị quyết định nuôi lợn. Khi có tiền lời, chị lại dùng để quay vòng vốn và mở rộng việc chăn nuôi. Và chị cũng chủ động tìm hiểu thông tin trên mạng và học cách xây hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón. Hiện tại, sau 9 năm gắn bó với ACE, chị đã xây dược nhà, sở hữu 2 hecta đất trồng cà phê, 1 hecta lúa, ao cá với diện tích 800m2, 2 con trâu, 51 con lợn và rất nhiều gia cầm. Với nghị lực vượt qua đói nghèo, chị cũng được bình chọn là tổ trưởng của hội phụ nữ trong xã và trở thành một nguồn động lực lớn cho những người dân trong bản.
Nhờ sự cố gắng chị đã xây dược nhà, mua được 2 hecta đất trồng cafe, 1 hecta lúa, ao cá với diện tích 800m2, 2 con trâu, 51 con lợn và rất nhiều gia cầm.
Nhà tôi trước đây chẳng bao giờ biết tiết kiệm. Chỉ làm đến đâu tiêu hết đến đấy, nhưng từ khi tôi tham gia chương trình Anh Chị Em và phải nộp tiền tiết tiệm nhiều dần thành quen. Vào các vụ chăn nuôi, nhờ có những khoản tiết kiệm này mà tôi có tiền để mua thức ăn chăn nuôi chứ không phải đi vay ngoài.
Khi tham gia ACE, tôi còn được đi họp nhóm vui lắm. Tôi tranh thủ lúc nộp tiền trả nợ để gặp và nói chuyện với chị em khác trong bản và thỉnh thoảng tập huấn chơi trò chơi cũng buồn cười lắm cán bộ ạ!
Chị Quàng Thị Dương, xã Thanh Yên
Tiệm tạp hóa của Chị Dương
Chị Quàng Thị Dương: Khởi nghiệp với 4 triệu đồng
Chị Dương, 42 tuổi, đang sống tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Chị Dương được thôn bản nhận xét là người chăm chỉ nhưng vì thiếu vốn nên muốn làm gì cũng khó, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp.
Năm 2012, tình cờ trong một buổi họp bản, chị Dương thấy Chương trình Anh Chị Em (ACE) cho bà con vay vốn mà không cần sổ đỏ, chỉ cần đi họp nhóm và nộp một ít tiết kiệm, lại được cán bộ đến bản tập huấn, đến nhà hướng dẫn, chị Dương mừng lắm, vì lúc đó chị muốn nuôi cá mà không có tiền và cũng chưa nuôi cá bao giờ cả. Chị quyết định đăng ký tham gia Chương trình luôn và đăng ký vay 4 triệu ở vòng vay đầu tiên.
Theo chị Dương, nhờ có cán bộ ACE đến tận nhà chỉ cách vét đáy bùn ao và khử trùng ao nuôi, mà cá nhà chị nuôi không bị dịch bệnh. Sau 6 vòng vay vốn tại ACE, từ một nhà chỉ nuôi vài ba con gà và mảnh ruộng ăn qua ngày, nay chị Dương đã có 2 ao cá với tổng diện tích là 3500 m2, đàn gà 300 con, gần 100 con vịt, 6 con lợn sề và mở được 1 cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con dân bản.
Từ xuất phát điểm không có gì, cho đến nay gia đình tôi đã khấm khá hơn rất nhiều. Chương tình Anh Chị Em đã giúp tôi mở rộng việc trồng trọt và chăn nuôi để tạo ra thu nhập ổn định.
Anh Quàng Văn Xôm, xã Pá Khoang, Điện Biên
Anh Quàng Văn Xôm: Hiện thực hóa mong muốn thoát nghèo
Anh Quàng Văn Xôm, 48 tuổi hiện đang sống ở xã Pá Khoang, Điện Biên. Vợ anh, chị Quàng Thị Hương cũng từng tham gia chương trình Anh Chị Em từ 2012. Trước khi tham gia chương trình ACE, gia đình anh chỉ có một ruộng lúa nhỏ, ao cá nhỏ và một vài con gà. Gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn sản xuất cũng như không thể mượn vay vốn từ ngân hàng vì lãi xuất quá cao. Chương trình Anh Chị Em đã cho anh Xôm vay vốn. Với khoản vay ban đầu là 3 triệu đồng, anh đã đầu tư nuôi cá. Những khoản tiền lời sau đó được anh tiếp tục mua thêm gà và vịt. Việc chăn nuôi của anh ngày càng phát triển qua thời gian.
Gia đình anh hiện tại có rất nhiều gà và vịt, 2 ao cá với tổng diện tích là 5.000 m2 cùng đồng lúa cùng với vườn để trồng gừng và cây dổi lấy hạt. Anh Xôm được bầu là trường bản và cũng như là trưởng nhóm của chương trình Anh Chị Em. Anh là một tấm gương điển hình của bà con trong bản và luôn luôn tích cực chia sẻ kiến thức về trồng chọt chăn nuôi cho mọi người.
Anh Xôm cùng vợ đang thăm ao cá của gia đình